Địa ốc dẫn đầu M&A của khối nội 15 tháng qua
Báo cáo của Vietnam M&A 2012 Report and 2013 Outlook, bất động sản dẫn đầu top 10 thương vụ mua bán - sáp nhập trong nước lớn nhất tính từ quý I/2012 đến quý I/2013 với 4 giao dịch, trị giá 607,9 triệu USD.
Thương vụ Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam mua khu phức hợp Vincom Center A dẫn đầu top này. Kế đến là Vincom Village Long Bien mua 23,9% cổ phần Hanoi Southern City Development.
Hai giao dịch mua bán sáp nhập bất động sản còn lại thuộc về Hanel và FLC Group. Công ty Điện tử Hanel đã thâu tóm 70% vốn góp của đối tác Hàn Quốc là Daewoo E&C tại dự án khách sạn Daewoo tại Hà Nội. Riêng thương vụ của FLC Group được xếp vào nhóm sáp nhập khi tập đoàn mẹ mua lại 100% cổ phần FLC Land (công ty con).
Thương vụ mua bán khu phức hợp Vincom Center A dẫn đầu top 10 giao dịch M&A của khối nội trong 15 tháng qua. Ảnh: Vũ Lê |
Xếp sau bất động sản, ngân hàng có 5 thương vụ M&A, tổng giá trị đạt 387,1 triệu USD. Trong 5 giao dịch này, chỉ có một trường hợp sáp nhập. Đó là việc Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) mua 100% cổ phần của Habubank với giá 192,9 triệu USD. 4 giao dịch còn lại do Eximbank, ông Trầm Bê và gia đình, Viettel, DOJI và các đơn vị trực thuộc lần lượt mua cổ phần của các ngân hàng: Sacombank, MB Bank và Tiên Phong Bank.
Nông nghiệp và thủy sản chỉ có một thương vụ M&A trong 15 tháng qua. Đó là giao dịch Masan Group mua 40% cổ phần Proconco trị giá 96 triệu USD.
Theo dự báo của VinaCapital, bất động sản tiếp tục là kênh có tiềm năng M&A lớn trong năm 2013-2014. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế mua lại những tài sản đang hoạt động, tọa lạc tại vị trí đắc địa. Tuy nhiên, VinaCapital cho rằng điểm yếu của các công ty Việt Nam là gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và còn nhiều hạn chế trong quản lý.
Vũ Lê