Đó là quan điểm của ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Him Lam Thủ Đô nói về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Gần đây vấn đề nóng của bất động sản là tìm hướng “giải cứu” khó khăn cho bất động sản, nhưng những giải pháp đưa ra thường tập trung nhiều từ phía cung như giãn nợ, khoanh cho DN, chia nhỏ diện tích căn hộ,…chưa có biện pháp đẩy mạnh kích cầu.

Nói đến nguyên nhân dẫn đến tình hình thị trường hiện nay thì ai cũng hiểu. Vấn đề của bất động sản hiện tại là dư nợ, nợ xấu, hàng tồn quá lớn. Đánh giá về dư nợ liên quan đến BĐS Bộ Xây dựng cho rằng con số này lên đến 1 triệu tỷ đồng.

Con số hàng tồn kho bất động sản hiện nay được Bộ Xây dựng đưa ra là hơn 16000 căn hộ, hơn 4000 căn nhà thấp tầng và hơn 26000m2 sàn văn phòng, thương mại. Còn HoRea thống kê tại Tp.HCM là 10.100 căn hộ, hơn 1000 căn nhà thấp tầng, và khoảng 19000m2 sàn văn phòng, thương mại.

Để tìm hiểu thêm đâu là những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ cho thị trường vượt qua được khủng hoảng, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Him Lam Thủ Đô. Ông Kiên cũng đã từng là TGĐ Công ty tư vấn BĐS Cushman & Wakefield Vietnam.

Ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Him Lam Thủ Đô

Theo ông đâu là giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay?

Ông Trương Chí Kiên: Vấn đề quan tâm bây giờ là làm sao giải phóng được hàng tồn kho để giải quyết vấn đề nợ xấu, vốn, và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế. Thị trường hiện nay đang dư cung và giảm cầu nên nếu chỉ tập trung tháo gỡ cho phía cung thôi thì thị trường BĐS sẽ không thể khởi sắc và phát triển trở lại được.

Gần đây chúng ta nói nhiều về giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, song không thấy đề cập đến vấn đề làm sao tạo và kích cầu cho thị trường.

Thị trường trong tương lai sẽ đi theo đúng quy định luật cung cầu và cạnh trạnh hoàn hảo về chất lượng và giá trị.

Vậy để thực hiện những giải pháp đó thì cần những hướng giải quyết nào để giúp cho thị trường khởi sắc, thưa ông?

Ông Trương Chí Kiên: Thứ nhất, cần thu hút tiền nhàn rỗi từ dân để tiêu thụ BĐS. Lượng tiền này đang nằm ở dạng tiền gửi và vàng khá nhiều, nhóm này thường đã có nhà ở và không có nhu cầu mua BĐS. Họ sẽ mua BĐS nếu lãi suất tiền gửi giảm thấp, và BĐS có biên độ tăng giá trị. Vậy, chúng ta cần giảm lãi suất tiền gửi và thuế VAT của BĐS.

Để làm được điều này cần kiềm chế được lạm phát, đảm bảo được tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng thương mại phải được kiểm soát chặt chẽ.

Nếu thực hiện hai yếu tố này sẽ làm nổi bật bài toán chí phí cơ hội của người có tiền nhàn rỗi và thị trường BĐS sẽ tăng cầu.

Thứ hai, kích cầu nhóm có nhu cầu nhà ở nhưng không có khả năng về tài chính, thu nhập của phân khúc này quá thấp so với giá BĐS hiện nay. Việc giải quyết phân khúc cầu này không chỉ cho vấn đề thị trường hiện này mà còn cho thị trường phát triển bền vững sau này.

Để kích cầu phân khúc này một là giảm giá và nâng cao chất lượng BĐS, hai là giảm chi phí lãi vay mua nhà thấp và kỳ vay dài hạn. Để giải quyết vấn đề thứ nhất thì phía doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển theo xu hướng nhu cầu của khách hàng chứ không theo kiểu phong trào, nâng cao giá trị cốt lõi doanh nghiệp như chiến lược sản phẩm, quản lý tài chính, quản trị điều hành, quản trị rủi ro của dự án nhằm giảm thiểu chi phí của sản phẩm và nâng cao chất lượng.

Phía nhà nước xem xét vấn đề giảm hoặc giãn thuế đất, vì nếu giảm thì cơ cấu giá thành sản phẩm giảm và nếu giãn nộp thuế thì chi phí vốn của doanh nghiệp sẽ giảm. Song song vấn đề thứ nhất được giải quyết thì vấn đề thứ hai cần làm là: các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng cần tạo ra những gói dịch vụ tín dụng với kỳ vay dài hạn và mức lãi suất thấp thì vẫn đề mới được giải quyết triệt để.

Thứ ba, hiện nay có rất nhiều người nước ngoài hay Việt kiều muốn mua BĐS nhưng gặp vấn đề về quy định sở hữu, do vậy Chính phủ cần xem xét và sửa đổi luật cho người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ (chỉ được phép sở hữu căn hộ, không được sở hữu nhà đất).

Vấn đề đang “nóng” trên các diễn đàn hiện nay là làm sao để xử lý được nợ xấu BĐS, theo ông thì nên có giải pháp nào?

Ông Trương Chí Kiên: Nếu giải quyết được hàng tồn kho hiện nay thì doanh nghiệp và ngân hàng mới giảm được nợ xấu, dòng vốn có thể lưu thông trong nền kinh tế, giúp không chỉ các doanh nghiệp BĐS mà còn các doanh nghiệp liên quan vượt qua khó khăn. Nhà nước có thể thất thu về việc giảm thuế những sẽ tăng tổng thu về thuế do lượng thuế đóng và nguồn thuế của ngành liên quan tăng, đây cũng là hình thức nuôi dưỡng nguồn thu.

Với nhưng quan điểm nêu trên, tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm giải quyết phần Cầu chứ không phải Cung. Khi giải quyết được vấn đề này thì tự nhiên nợ xấu sẽ giảm dần.

Xin cám ơn ông!

Phạm An (thực hiện)